10 kỹ thuật làm phim độc đáo bạn nên thử

Một trong những yếu tố tiên quyết giúp phim ngắn của bạn nổi bật hơn các tác phẩm khác chính là sự độc đáo. Ngoài việc đầu tư về nội dung, bạn cũng nên dành thời gian nghiên cứu về các kỹ thuật quay phim, dựng phim đặc biệt để mang lại sự mới mẻ, ấn tượng cho phim ngắn của mình
1. QUAY BẰNG ĐIỆN THOẠI


Nếu chưa thể trang bị cho nhóm mình máy quay hoặc máy ảnh DSLR để làm phim thì bạn có thể chọn cách sử dụng điện thoại di động. Điện thoại với camera chất lượng HD (hoặc là4K) là một cách “chữa cháy” khá tốt
cho những hạn chế tài chính.
Tuy nhiên, cũng có một số nhóm làm phim chủ động chọn quay bằng điện thoại xuyên suốt dù họ có khả năng trang bị phương tiện cao cấp hơn. Bởi quay bằng điện thoại có ưu điểm là gọn nhẹ, dễ di chuyển, mang vác, không cần đến các dụng cụ hỗ trợ cồng kềnh.
Nếu sử dụng cách này, cuối phim bạn nên lưu ý cho người xem biết bằng cách thông báo trong phần credit, như vậy sẽ tạo ấn tượng tốt. Bạn cũng nên chú ý khắc phục nhược điểm của cách quay này là đôi khi lấy nét không đủ sâu, khó quay với ánh sáng yếu…

2. CÚ MÁY DÀI
Thuật ngữ “cú máy dài” (long take) chỉ một cảnh quay di chuyển có thời lượng dài được quay với một cú máy duy nhất, không cắt cảnh. Kỹ thuật này thường dùng để mô tả hành trình của một nhân vật hoặc để miêu tả chi tiết một không gian nào đó.
Trong phim Hugo, đạo diễn Martin Scorsese đã sử dụng khá nhiều cú máy dài như thế. Ưu điểm của nó là tạo cảm giác bay bổng cho bộ phim. Tuy nhiên, bạn cần phải có kỹ thuật quay thật chắc chắn mới thực hiện được phương pháp này.
hugo
3. SỬ DỤNG FLYING CAM
Flying cam có thể nói đơn giản là một chiếc máy bay thu nhỏ có khả năng đưa camera của bạn lên cao để lấy những cảnh quay toàn tuyệt đẹp cho bộ phim. Dụng cụ này rất hữu ích cho những cảnh quay rượt đuổi hoặc khi bạn muốn mô tả cảnh đẹp tổng thể của một vùng đất, bối cảnh nào đó.
Flying cam được xem là “giấc mơ” của nhiều nhà làm phim trẻ vì có giá thành khá đắt. Thách thức của phương pháp này là flying cam không dễ điều khiển, rất khó để quay một cách suôn sẻ.
flying cam
4. KỸ THUẬT TIME-LAPSE
Time-lapse là kỹ thuật đẩy nhanh tốc độ hình ảnh để tạo ra những cảnh quay mang tính thay đổi thời gian. Ví dụ khi bạn đặt máy quay thu lại hình ảnh của một thành phố từ 6h tối đến 6h sáng rồi khi mang lên bàn dựng, bạn đẩy nhanh tốc độ khiến đoạn phim chỉ còn 10 giây. Đó chính là time-lapse.
Time-lapse cũng thường được sử dụng trong những cảnh quay mô tả sự chuyển mùa của trời đất, truyền tải vẻ đẹp của thiên nhiên…
time lapse
5. KỸ THUẬT SHAKY CAM
Quay với máy cầm tay (shaky cam) là một kỹ thuật thường thấy trong điện ảnh. Nó mang lại cho người xem góc nhìn của chủ thể, tạo cảm giác như mình đang là nhân vật trong phim. Tuy nhiên, áp dụng kỹ thuật này không tốt sẽ khiến cho khán giả bị chóng mặt.
shaky cam
6- KỸ THUẬT STOP MOTION
Stop motion có thể nói là một dạng phim gần giống với thể loại hoạt hình. Làm phim stop motion, bạn không cần quay phim mà chỉ cần chụp ảnh. Ví dụ, thay vì quay cảnh một cô gái đi bộ trên phố 10 giây, bạn sẽ chụp lại 10 tấm ảnh mô tả chuyển động của cô ấy và sau đó cho các tấm ảnh lần lượt xuất hiện. Phương pháp này không đưa ra một chuỗi hình ảnh liền mạch mà có phần hơi trúc trắc và đứt khúc. Tuy nhiên, nó sẽ tạo ra cảm giác tươi mới, ngộ nghĩnh, vui vẻ.
Stop motion thường được sử dụng trong các kỹ thuật làm MV hoặc phim rất ngắn vì khó lồng thoại của nhân vật vào. Nếu chọn cách này, bạn có thể cho nhân vật nói chuyện theo kiểu hiện khung lời thoại như truyện tranh.
stop motion
7 – GIẢ TÀI LIỆU
Phong cách làm phim giả tài liệu thường sử dụng những cảnh quay theo góc nhìn người thứ nhất. Ngoài shaky cam, phim giả tài liệu còn tận dụng những máy quay cố định cân bằng hình ảnh.
Ví dụ, Cuồng phong thịnh nộ (Into the Storm), ngoài những cảnh quay máy cầm tay còn có những cảnh quay với camera đặt trên chân đứng, camera trong khuôn viên trường học, camera xe hơi…
Into the storm
8- PHONG CÁCH ONE SHOT
Phong cách làm phim one shot là một dạng “nâng cấp” của cú máy dài. Nếu cú máy dài chỉ chiếm một phần thời lượng của phim, thì với one shot, cú máy dài là toàn bộ bộ phim. Một điển hình của dạng MV, phim ngắn one shot là MV Tennis Court của nữ ca sĩ Lorde hay MV Anh không đòi quà của Karik và Only C.
Nếu được thực hiện tốt, phong cách one shot sẽ gây ấn tượng rất mạnh cho các khán giả. Tuy nhiên, thách thức của phương pháp này là với mỗi lần quay lỗi, bạn phải quay lại từ đầu đến cuối bộ phim. Do đó cần phải có sự phối hợp vô cùng ăn ý trong ê-kíp.
9 – QUAY GIẤU MẶT
Quay giấu mặt thường mang lại cảm giác bí ẩn, gợi sự tò mò. Đây không phải một câu chuyện tình yêu mà nhóm Look Group thực hiện ở vòng chung kết 3, 2, 1 Action 2013 là một tác phẩm như thế. Thách thức của phong cách này là phải có một kịch bản thật ấn tượng và lời thoại được đầu tư cao để khán giả có thể hiểu được nội dung bộ phim.
giau mat
10 – HIỆU ỨNG SLOW MOTION
Nếu time-lapse là kỹ thuật đẩy nhanh hình ảnh thì slow motion là kỹ thuật làm chậm hình ảnh. Ví dụ, bình thường một cú đấm nhanh sẽ diễn ra trong 3 giây, nhưng lên phim, bạn khiến nó chậm lại và kéo dài đến 10 giây, đó là slow motion. Kỹ thuật này thường được dùng để đặc tả và “làm đẹp” cho các động tác võ thuật.
Sưu tầm

No comments:

- Bạn hãy bình luận bằng tiếng việt có dấu hoặc tiếng anh và viết rõ ràng đầy đủ. Hãy tỏ ra là người lịch sự, có văn hóa khi bình luận nhé.
- Chèn Link bằng thẻ: <a href="Link muốn chèn" rel="nofollow">Tên muốn hiển thị</a>.
- Tạo chữ: <b>Đậm</b><i>Ngiêng</i>.
- Xin chân thành cảm ơn!.